Bổ sung sắt trong thời kì mang thai
Thiếu máu thiếu sắt là dạng thiếu máu thường gặp nhất (chiếm 90% các trường hợp thiếu máu) – tình trạng máu không có đủ lượng tế bào hồng cầu bình thường. Hồng cầu có chức năng mang oxy đến cho các mô của cơ thể, cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp cho da có được màu sắc bình thường. Khi không có đủ sắt, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ hemoglobin, là thành phần của hồng cầu. Do đó, thiếu máu do thiếu sắt sẽ làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt và xanh xao…
Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ cao bị thiếu sắt do tình trạng mất máu kéo dài qua các kì kinh nguyệt và nhiều nguyên nhân khác. Hầu hết phụ nữ trên thế giới bước vào thời kỳ thai nghén không dự trữ đủ sắt trong cơ thể hoặc thậm chí thiếu sắt thực sự. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, 43% phụ nữ không mang thai trong độ tuổi 15 – 50 ở các nước đang phát triển bị thiếu máu. Trong thời kỳ mang thai, tỷ lệ này tăng lên 56%. 80% các trường hợp thiếu máu thường có nguyên nhân do thiếu sắt. Thiếu máu trong thời kỳ mang thai là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai, sinh non, băng huyết sau sinh, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thai nhi: suy dinh dưỡng bào thai, chậm phát triển thể chất và trí tuệ….
– Triệu chứng thường gặp:
+Xanh xao ở da và niêm mạc.
+ Rối loạn thần kinh: nhức đầu, ù tai, hoa mắt, chóng mặt…
+ Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, nôn, táo bón…
+ Cảm giác đánh trống ngực mạnh..
– Những yếu tố nguy cơ: (Yếu tố làm tăng nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt)
+ Mất máu do kinh nguyệt.
+ Phụ nữ có thai, cho con bú.
+ Dinh dưỡng: thành phần bữa ăn có ít sắt.
+ Mất máu do phẫu thuật, chấn thương, xuất huyết tiêu hóa…
+ Trẻ mới sinh, đặc biệt những trẻ lúc sinh có cân nặng thấp hoặc sinh non, không nhận đủ lượng sắt từ sữa mẹ hoặc sữa bột.
– Biến chứng:
+ Tim mạch: tăng nguy cơ suy tim, đau thắt ngực…(tim phải bơm nhiều máu hơn để thích nghi với tình trạng thiếu oxy trong máu)
+ Trong thai kỳ: thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và bé.
. Đối với thai nhi, thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển, làm tăng nguy cơ bị khuyết tật ống dây thần kinh (nứt đốt sống, thai vô sọ…), cân nặng lúc sinh thấp, suy dinh dưỡng bào thai…
. Đối với bà bầu: thiếu máu thiếu sắt khiến cơ thể mệt mỏi, hay chóng mặt, hoa mắt, dễ xảy thai, đẻ non, đẻ con nhỏ yếu, dễ bị băng huyết khi sinh, thậm chí có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và con.
+ Với trẻ em: chậm phát triển, các kỹ năng ngôn ngữ và vận động ở tuổi đi học kém..
Vai trò của sắt
Sắt là một trong những vi chất dinh dưỡng quan trọng với cơ thể bởi sắt là nguyên liệu để tổng hợp lên hemoglobin (chất có mặt trong tế bào hồng cầu), tham gia vào quá trình cấu tạo thành myoglobin (sắc tố hô hấp của cơ) cũng như nhiều enzyme khác và đặc biệt là tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ cần sản xuất một lượng máu gần gấp đôi so với bình thường. Do vậy, nhu cầu sắt cũng tăng gấp đôi. Điều đáng nói là tình trạng thiếu sắt sẽ gây nguy hại cho cả mẹ và con. Đối với thai nhi thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển, làm tăng nguy cơ bị khuyết tật ống dây thần kinh (nứt đốt sống, thai vô sọ…), cân nặng lúc sinh thấp, suy dinh dưỡng bào thai…Trong khi đó bà bầu thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi, hay chóng mặt, hoa mắt, dễ xảy thai, đẻ non, đẻ con nhỏ yếu, dễ bị băng huyết khi sinh, thậm chí có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và con. Để đảm bảo đủ nhu cầu sắt trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ cần phải dự trữ ít nhất 300 mg sắt trước khi thụ thai. Việc bổ sung sắt trước khi mang thai giúp cải thiện dự trữ sắt, giảm đáng kể nhu cầu bổ sung sắt trong thời kỳ mang thai và đem lại kết quả tốt hơn cho thai nghén.
Vai trò của acid folic và Vitamin B12
Ngoài nhu cầu về sắt thì acid folic và vitamin B12 cũng đóng vai trò quan trọng và hết sức cần thiết.
Acid folic (B9) là một vitamin cần thiết giúp tổng hợp ADN và là một trong những chất quan trọng đối với sự phát triển của bào thai, nhất là hệ thần kinh. Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng thiếu acid folic có thể gây khiếm khuyết ống thần kinh mà biểu hiện là nứt đốt sống, thoát vị não…và làm tăng nguy cơ dị tật ở tim, các chi, sứt môi, hở hàm ếch… Bổ sung sắt phối hợp với acid folic hằng tuần là phương pháp dự phòng được WHO khuyến cáo sử dụng rộng rãi ở những phụ nữ chuẩn bị mang thai.
Cùng với vitamin B9 (acid folic), vitamin B12 có vai trò quan trọng với sự phát triển ống thần kinh của thai nhi. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, thiếu vitamin B12 có thể là nguy cơ của dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Phụ nữ có nồng độ vitamin B12 thấp hơn 250ng/L có nguy cơ sinh con bị dị tật ống thần kinh cao gấp 2,5 – 3 lần so với những người phụ nữ khác. Vitamin B12 còn tác động đáng kể đến sự chuyển hóa của acid folic để cơ thể có thể sử dụng được vitamin này. Thông thường, dị tật ống thần kinh hay xảy ra trong những tháng đầu tiên của thai kỳ (1 – 3 tháng) nếu người mẹ bịthiếu hai loại vitamin này. Cần bổ sung Vitamin B12 trước khi mang thai và những tháng đầu tiên của thai kì.
Điều trị
Để điều trị, việc điều chỉnh chế độ ăn có thể có ích nhưng không đủ để giải quyết vấn đề do sắt trong thức ăn khó hấp thu. Cần phải uống thuốc bổ sung sắt để đáp ứng đủ nhu cầu sắt hàng ngày trong cơ thể. Ở những phụ nữ mang thai, thuốc bổ sung sắt giúp cung cấp đủ sắt cho cả mẹ và thai nhi.