Trong thời kỳ mang thai, một mầm sống đang dần dần hình thành và không ngừng hoàn thiện trong cơ thể của người phụ nữ. Lúc này, khẩu phần ăn của các bà bầu cũng phải có sự điều chỉnh để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Ngoài ra, dinh dưỡng trong thai kỳ cũng ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sữa mẹ sau khi sinh. Các bà bầu cần ăn nhiều hơn bình thường, chú ý đa dạng hóa các loại thực phẩm, đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh và em bé được phát triển toàn diện nhất.
1. Tăng thêm năng lượng
Phần lớn năng lượng trong khẩu phần ăn của người Việt Nam là từ cơm. Phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ nói chung cần 2200Kcal/ ngày thì phụ nữ có thai 3 tháng cuối phải thêm 350Kcal nữa (tức là 2550Kcal/ngày) tương đương với thêm 1 bát cơm đầy mỗi ngày.
2. Bổ sung chất đạm và chất béo
Bữa ăn cho bà bầu cần bổ sung chất đạm và chất béo đảm bảo cho việc xây dựng và phát triển cơ thể thai nhi. Chất đạm còn cần thiết cho quá trình tạo máu, phát triển của các tổ chức trong cơ thể mẹ đặc biệt là rau thai. Chất đạm cần tăng thêm 15g/ngày so với bình thường. Chất béo nên chiếm 20% tổng năng lượng (khoảng 40g).
Ngoài chất đạm động vật như sữa, trứng (kể cả trứng vịt lộn), tôm, cua, cá, ốc…cần chú ý đến chất đạm từ nguồn thức ăn thực vật vừa rẻ, vừa có lượng đạm cao, lại có thêm các acid béo tốt (omega 3, 6, 9) như đậu tương, đậu xanh, vừng, lạc…
3. Bổ sung các chất khoáng
Canxi: Việc tạo bộ xương thai nhi trong 3 tháng cuối của thai kỳ cần tổng số 30g. Lượng canxi ăn vào được khuyến cáo là 800- 1000mg mỗi ngày trong suốt thời gian bà mẹ mang thai và cho con bú. Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá, sữa và chế phẩm của sữa.
Kẽm: thiếu kẽm gây nên vô sinh, sẩy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết gần ngày sinh và sinh không bình thường. Nhu cầu kẽm của người mẹ mang thai là 15mg/ngày. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, hải sản. Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém.
Iốt: thiếu iốt ở phụ nữ thời kỳ mang thai có thể gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu iốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Nhu cầu iốt của phụ nữ mang thai là 175- 200mcg iốt/ngày. Nguồn thức ăn giàu iốt là những thức ăn từ biển như cá biển, sò, rong biển… Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên sử dụng muối, bột canh có tăng cường iốt.
Sắt: tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu máu ở thai phụ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ sơ sinh, làm tăng nguy cơ bị biến chứng thai sản.
Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, các loại nhuyễn thể như nghêu, sò, ốc, hến, trong ngũ cốc, đậu đỗ các loại, trong phủ tạng, đặc biệt là tiết. Người mẹ mang thai nên bổ sung 60mg sắt nguyên tố/ngày trong suốt thời gian mang thai đến sau sin ít nhất 1 tháng. Các bác sỹ sản khoa thường khuyên phụ nữ mang thai sử dụng bổ sung các chế phẩm được phân liều sẵn 60mg sắt nguyên tố; các chế phẩm này thường được tích hợp cùng với 2 hợp chất thiết yếu cho việc tạo máu khác là Vitamin B12 và Acid folic.
Tham khảo sản phẩm bổ sung sắt, Vitamin B12 và Acid folic tại đây: Goodhem – Bổ sung sắt cho bà bầu
4. Bổ sung các vitamin
Axit Folic: Thiếu axit folic ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Axit folic có vai trò bảo vệ chống lại những khiếm khuyết của ống thần kinh của thai nhi. Nhu cầu axit folic ở người mẹ có thai là 300- 400mcg/ngày. Nguồn cung cấp axit folic là rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các thực phẩm có bổ sung axit folic. Hiện nay, hầu hết các chế phẩm bổ sung dưỡng chất cho bà bầu đều có chứa Acid folic.
Vitamin A: có vai trò đặc biệt trong hoạt động thị giác, tăng cường miễn dịch trong cơ thể. Đối với người phụ nữ có tình trạng dinh dưỡng tốt, không cần bổ sung vitamin A trong suốt thời gian mang thai. Nhu cầu vitamin A của các bà bầu là 600mcg/ngày có thể được đảm bảo bằng các thức ăn tự nhiên. Sữa, gan, trứng… là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng được hấp thu và dự trữ trong cơ thể. Tất cả các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, xoài, bí đỏ là những thức ăn nhiều caroten, còn gọi là tiền vitamin A, vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A.
Vitamin D: giúp cho sự hấp thu các khoáng chất như canxi, phospho. Nếu cơ thể thiếu vitamin D, lượng canxi chỉ được hấp thu khoảng 20%, dễ gây các hậu quả như trẻ bị còi xương ngay trong bụng mẹ hay trẻ đẻ ra bình thường nhưng thóp sẽ lâu liền. Những phụ nữ có thai nên có thời gian hoạt động ngoài trời càng nhiều càng tốt. Nên được bổ sung vitamin D 10mcg/ngày, sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như pho-mat, cá, trứng, sữa, hoặc các thực phẩm có tăng cường vitamin D. Ngoài ra người mẹ có thể phòng còi xương cho con bằng cách uống vitamin D khi thai được 7 tháng: 600.000UI/3 tuần, mỗi tuần 200.000UI
Vitamin B1: là yếu tố cần thiết để chuyển hoá gluxit. Các loại hạt cần dự trữ vitamin B1 cho quá trình nảy mầm do đó ngũ cốc và các hạt họ đậu là những nguồn vitamin B1 tốt. Ăn gạo không giã trắng quá, không bị mục, mốc, nhất là ăn nhiều đậu đỗ là cách tốt nhất bổ sung đủ vitamin B1 cho nhu cầu cơ thể (1,1mg/ngày) và chống được bệnh tê phù.
Vitamin B2: tham gia quá trình tạo máu nên nếu thiếu vitamin B2 sẽ gây thiếu máu nhược sắc. Nhu cầu vitamin B2 là 1,5mg/ngày. Vitamin B2 có nhiều trong thức ăn động vật, sữa, các loại rau, đậu… Các hạt ngũ cốc toàn phần là nguồn B2 tốt nhưng bị giảm đi nhiều qua quá trình xay xát.
Vitamin C: có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C có nhiều trong các quả chín. Rau xanh có nhiều vitamin C nhưng bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng. Đối với phụ nữ có thai, nhu cầu vitamin C là 80mg/ ngày và đối với bà mẹ cho con bú là 100mg.
Hy vọng những điều trên đây sẽ giúp cho những ai sắp làm mẹ có được chế độ dinh dưỡng tốt nhất từ đó tạo điều kiện cho em bé được sinh ra khỏe mạnh và phát triển tốt sau đó.