1. Chuẩn bị sức khỏe:
- Phụ nữ trước khi mang thai cần được chủng ngừa 1 số bệnh cơ bản:
Điều này đem lại rất nhiều lợi ích cho em bé sau này. Tuy nhiên, các bà mẹ tương lai cần tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như các cơ quan, tổ chức Y tế về phác đồ chủng ngừa cũng như thời gian chủng ngừa trước khi có thai.
- Vaccine Rubella:Tiêm 1 mũi trước thời điểm có thai ít nhất 3 tháng để được miễn dịch với virus Rubella. Bệnh Rubella hay còn gọi là Sởi Đức, không đe dọa tính mạng con người, tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai 3 tháng đầu mắc bệnh thì nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh bị di tật bẩm sinh lên đến 90%, thường trong các trường hợp này, các bác sỹ thường có chỉ định bỏ thai. Hiện nay, ngoài vaccine Rubella đơn, còn có các loại vaccine 3 trong 1 phòng được 3 bệnh trong 1 mũi tiêm là Sởi – Quai bị – Rubella. Tiêm vắc xin sởi có thể phòng bệnh sởi cho mẹ, giảm nguy cơ mắc sởi cho em bé vì kháng thể được tạo ra trong cơ thể mẹ được truyền cho con trong thời kỳ mang thai, một phần nhỏ được bài tiết qua sữa, góp phần bảo vệ trẻ sau khi sinh.
- Vaccine Cúm: Mắc bệnh cúm trong giai đoạn sớm của thai kỳ làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc thai lưu, hơn nữa, việc mắc bệnh cúm mùa là khá phổ biến nhất là vào mùa Đông, Xuân. Vì vậy, các chuyên gia Y tế khuyên những người phụ nữ có ý định mang thai tiêm 1 mũi vaccine phòng Cúm mùa cách thời điểm mang thai ít nhất 1 tháng để phòng bệnh trong suốt 1 mùa Cúm.
Ngoài ra, việc người mẹ được tiêm vaccine Viêm gan B theo đúng phác đồ đảm bảo mức kháng thể trong máu đủ lớn thì em bé sau khi sinh sẽ nhận được kháng thể này từ mẹ, em bé sẽ được bảo vệ an toàn từ khi lọt lòng mẹ đến trước khi tiêm mũi vaccine viêm gan B vào lúc 2 tháng tuổi.
- Nên chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất đặc biệt là Sắt và Acid folic 1 tháng trước khi mang bầu:
Phụ nữ trước khi mang bầu cần chú ý quan tâm đến sức khỏe hơn, bồi bổ cơ thể, nâng cao thể trạng, đặc biệt là đối với những người thiếu cân. Hơn nữa, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã khuyến cáo việc bổ sung Sắt, Acid Folic và Vitamin B12 từ trước khi mang thai để phòng chống thiếu máu và hạn chế dị tật ống thần kinh thai nhi. Hiện nay trên thị trường đã có 1 số chế phẩm chứa cả 3 hoạt chất quan trọng này, rất tiện lợi cho các bà mẹ tương lai mà chi phí cũng không quá lớn.
2. Chuẩn bị tâm lý:
Bà mẹ mang thai sẽ phải đối mặt với rất nhiều những thay đổi về sức khỏe, hình thái cơ thể, và tâm sinh lý. Trong giai đoạn đầu, bà bầu sẽ có thể gặp tình trạng thai nghén, không ăn uống được, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của cả mẹ và con. Ở những giai đoạn tiếp sau, khi thai đã lớn gây chèn ép các cơ quan trong ổ bụng dẫn đến tình trạng phù chi dưới, tiểu nhiều gây gián đoạn giấc ngủ ban đêm, táo bón kéo dài gây nguy cơ trĩ… Ngoài ra, bà bầu cũng có thể gặp các hiện tượng như rạn da do tăng cân quá nhanh, rụng tóc, dễ bị dị ứng do thay đổi nội tiết… các hiện tượng bất thường này sẽ sớm hết sau khi sinh em bé 1 thời gian, khi mà nội tiết tố của người phụ nữ trở về bình thường. Tuy nhiên, các bà mẹ tương lai cũng cần biết được những điều này để chuẩn bị cho mình 1 tâm lý tốt nhất cũng như chuẩn bị các biện pháp khắc phục an toàn, hiệu quả để có được 1 thai kỳ khỏe mạnh.
3. Chuẩn bị kinh tế:
Ngoài những khoản chi phí thông thường để nuôi dưỡng em bé, chúng ta cũng nên chú ý để ra 1 khoản chi phí để cho em bé có thể được tiêm phòng 1 số vaccine phòng bệnh không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) để em bé được phòng tránh nhiều bệnh hơn.