Cao lớn, thông minh, khỏe mạnh là điều mà bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng đều mong muốn ở con cái. Vậy bạn đã biết chiều cao trẻ phát triển như thế nào chưa? Và giai đoạn nào cần thiết để tăng tốc phát triển chiều cao cho trẻ.
Chiều cao trẻ phát triển và kéo dài cho tới tuổi trưởng thành và ngừng lại ở độ tuổi 20 đối với bé gái và 25 đối với bé trai. Tuy nhiên, không phải thời điểm nào sự phát triển chiều cao cũng là như nhau. Dựa vào tốc độ phát triển chiều cao của từng thời kì có thể phân ra thành 3 giai đoạn phát triển chính:
- Giai đoạn 1: Thời kỳ bào thai
Đây là thời điểm xương trẻ phát triển mạnh mẽ nhất. Trong 9 tháng thai kỳ, nếu người mẹ được ăn uống và bổ sung dưỡng chất đầy đủ, khi bé chào đời sẽ đạt được chiều cao 50 cm và nặng từ 3kg.
- Giai đoạn 2: Thời kỳ sơ sinh tới 3 tuổi
Một trong những giai đoạn quan trọng quyết định chiều cao của trẻ. Trong 12 tháng đầu trẻ tăng 25cm và trong 2 năm tiếp theo mỗi năm trẻ cao thêm 10cm nếu được nuôi dưỡng tốt.
- Giai đoạn 3: Thời kỳ dậy thì
Giai đoạn quan trọng cuối cùng trong quá trình tăng tốc chiều cao cho trẻ. Thời kỳ dậy thì của bé gái từ 10-16 tuổi và bé trai từ 12-18 tuổi. Trong giai đoạn này, cơ thể sẽ có 1-2 năm chiều cao tăng vọt từ 8-12 cm mỗi năm nếu được nuôi dưỡng tốt. Nhưng trong thực tế, chúng ta không thể biết chính xác năm đó là năm nào nên vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ trong suốt thời gian dậy thì để trẻ phát triển toàn diện nhất.
Phân tích nguyên nhân tại sao chiều cao trung bình của Việt Nam lại thấp hơn những nước khác?
Nếu bạn là người quan tâm tới thể thao, bạn sẽ dễ dàng nhận ra trong các giải thi đấu quốc tế của rất nhiều môn thể thao thì người Việt luôn bị yếu thế về chiều cao và thể trạng hơn các nước khác (kể cả ở Châu Á). Theo số liệu thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia Việt Nam, chiều cao nam thanh niên Việt nam hiện ở mức 163,7 cm, nữ cao 153,4cm nhưng so với chuẩn quốc tế, chiều cao trung bình của thanh niên nam 18 tuổi vẫn kém 13,1 cm và nữ kém 10,7 cm. Liệu cấu trúc gen của người Việt bị lỗi nên dẫn đến chiều cao bị hạn chế? Để trả lời câu hỏi này, PGS.TS Dương Nghiệp Chí (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thể dục thể thao) khẳng định: “Cấu trúc gen của người Việt không hề khiếm khuyết”. Để có được lời khẳng định chắc như đinh đóng cột này, cách đây 3 năm, ông Dương Nghiệp Chí cùng các đồng nghiệp đã bỏ rất nhiều công sức để xây dựng hẳn một “Đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam”. Những nghiên cứu của Đề án này cho thấy, cấu trúc gen ti thể của người Việt Nam hoàn toàn tương đương với cấu trúc gen ti thể của những người châu Á khác, tuyệt nhiên không có sự khác biệt hay khiếm khuyết gì.
Nghiên cứu về sự phát triển trẻ em từ sơ sinh đến 18 tuổi của Viện Dinh dưỡng cho thấy xu hướng tăng trưởng về chiều cao đối với người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, hiện nay không đồng đều. Mức phát triển của trẻ em Việt trong 3 tháng đầu là đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng sau đó lại giảm dần, nhất là thời kỳ 6-12 tháng và 6-11 tuổi.
Điều này là kết quả của quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc không phù hợp, làm mất tiềm năng chiều cao trên con đường trưởng thành của trẻ. Hãy chú trọng và lưu ý về chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập đặc biệt trong 3 giai đoạn phát triển chiều cao trẻ để tăng tốc và về đích với chiều cao lý tưởng.